• (+84) 283.742.5351
  • dichvuhanghai@saigonnewport.com.vn

Tọa đàm chuyên đề về bình đẳng giới và phòng chống bạo lực

Tọa đàm chuyên đề về bình đẳng giới và phòng chống bạo lực

Hưởng ứng Tháng hành động Bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2022, chiều ngày 07/12/2022, tại Hội trường Cát Lái, Hội PNCS Tổng hợp 1 và Hội PNCS Công ty CP Dịch vụ Hàng hải Tân Cảng (DVHH) phối hợp tổ chức tọa đàm với chủ đề “Bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2022”.

Dự và chỉ đạo buổi tọa đàm có đồng chí Thượng tá Nguyễn Sơn Hải – BTCB, Chủ tịch HĐQT Công ty TCIS, đồng chí Trung tá Trần Thị Hồng Thu – BTĐU, Chủ tịch HĐQT Công ty DVHH, đồng chí Thiếu  tá Phạm Xuân Tùng – BTCB, Phó Trưởng phòng CNTT, đồng chí Phạm Thị Dung – Trợ lý Công tác phụ nữ, Phòng Chính trị, TCT TCSG.

Với đề tài “nóng” về vấn đề Bình đẳng giới, buổi tọa đàm đã nhận được sự quan tâm và tham gia của đông đảo các đồng chí trong Đảng ủy, chi ủy, Ban chỉ huy và đoàn viên công đoàn, đoàn viên thanh niên, hội viên phụ nữ của 03 đơn vị: Phòng CNTT, Công ty TCIS và Công ty DVHH.

Trong buổi tọa đàm, các đại biểu đã sôi nổi thảo luận, đưa ra ý kiến của mình về 03 chủ đề chính, đó là “Bình đẳng giới trong công việc”“Bình đẳng giới trong gia đình” và một chủ đề rất thú vị là “Liệu nam giới có cần bình đẳng giới”. Với các video clip tình huống sinh động và các câu hỏi tình huống thú vị do Ban tổ chức đưa ra, các đại biểu đã đưa ra các quan điểm, cách xử lý từ góc nhìn của phái nam và phái nữ dựa trên kinh nghiệm lý thú của từng cá nhân. Rất nhiều chủ đề thú vị đã được đại biểu sôi nổi thảo luận, như:

– Bạn có cho rằng một số ngành nghề chỉ phù hợp với 01 giới tính nhất định và nên có chính sách ưu tiên tuyển dụng?

– Trong công ty, khi lãnh đạo cần bổ nhiệm 01 chức danh quản lý dự án quan trọng, lãnh đạo gặp gỡ ứng viên nữ và trao đổi dự kiến sẽ chọn một ứng viên nam khác để bổ nhiệm trong khi ứng viên nữ năng lực tốt hơn, nhiều kinh nghiệm hơn nhưng không được chọn vì lãnh đạo lo ngại ứng viên nữ có gia đình, con nhỏ, khó tập trung bảo đảm tiến độ, chất lượng của dự án. Bạn là ứng viên nữ, bạn sẽ ứng xử như thế nào?

– Bình đẳng giới có phải là phân chia việc nhà đồng đều giữa vợ và chồng?

– Bạn nam dẫn bạn Nữ về nhà ra mắt, đúng dịp nhà bạn Nam có đám tiệc, tập trung đông người. Sau đám tiệc, một mình bạn Nữ phải dọn dẹp, rửa chén bát cho cả chục bàn tiệc, những người khác trong gia đình, họ hàng bạn Nam ngồi chơi, không giúp. Khi bạn Nam thấy vậy, ra cùng với bạn Nữ dọn dẹp, rửachén bát thì bố mẹ bạn Nam không đồng ý, mắng bạn Nam là: “Đấy là việc của đàn bà”; thậm chí họ hàng còn có lời lẽ nặng nề: “chưa cưới mà đã thế thì sau này cưới về rồi chắc còn làm nô lệ cho vợ”). Nếu là bạn Nam, bạn ứng xử trong tìnhhuống này như thế nào? Nếu là bạn Nữ, bạn ứng xử trong tình huống này như thế nào?

– Trong các xung đột gia đình, người phụ nữ có nên luôn ở thế nhẫn nhịn để giữ gìn hòa khí: “Chồng giận thì vợ bớt lời, cơm khê bớt lửa chẳng đời nào khê”?

– Thế nào là “nam tính” của người đàn ông? Có phải đàn ông phải luôn mạnh mẽ và khóc là biểu hiện của sự yếu đuối? Đàn ông đi cùng với phụ nữ thì nên chi trả tất cả các khoản, nếu không sẽ bị xem là không ga lăng?; Đàn ông hàng tháng đưa hết lương cho vợ quản lý thì mới là có trách nhiệm?

– Bạn nghĩ sao về các quan điểm: “đàn ông phải là trụ cột gia đình”? Có phải trong gia đình mà người vợ có vị trí xã hội và thu nhập cao hơn thì chồng sẽ yếu thế, bị coi thường?

-Tình huống ngày 18/12/2022 là trận chung kết World Cup, nhưng lại trùng với ngày kỷ niệm ngày yêu nhau của 2 bạn. Bạn Nam rất mê bóng đá và đã hẹn với nhóm bạn thân cùng tụ tập cổ vũ, trong khi đó bạn Nữ lại muốn bạn Nam dành trọn thời gian ngày kỷ niệm cho mình. Kết quả là 2 bạn không thống nhất được với nhau và có xảy ra tranh luận căng thẳng (bạn Nữ cho rằng bạn Nam coi bóng đá và bạn bè quan trọng hơn bạn gái; bạn Nam cho rằng bạn Nữ ích kỷ, không tôn trọng sở thích cá nhân của bạn Nam). Nếu là bạn Nam, bạn sẽ xử lý tình huống này như thế nào? Nếu là bạn Nữ, bạn sẽ nói gì trong cuộc tranh luận với bạn Nam?

Bên cạnh các tình huống, các đại biểu tham dự cũng trao đổi về phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới.

Qua các ý kiến, nhất là của các đoàn viên nam, các đại biểu mới “vỡ lẽ”: không phải chỉ có bạo lực thể chất mà vấn đề bạo lực tinh thần cũng có những hậu quả nghiêm trọng;  không phải chỉ “phái mạnh” mới có thể gây ra bạo lực mà ngay “phái yếu” cũng có thể là chủ thể gây bạo lực tinh thần cho nam giới (bằng cách kiểm soát chi tiêu ngặt nghèo, hạn chế sở thích lành mạnh của người chồng; hoặc bạo lực thông qua việc “trừng phạt bằng sự im lặng” hoặc ngược lại, “nói nhiều, nói dai, nói dài”…).

Ban tổ chức cũng tổ chức trò chơi trắc nghiệm tạo cơ hội cho các đoàn viên, hội viên cùng tham gia thi tìm hiểu kiến thức về bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực.

Với các nội dung thiết thực được chuẩn bị công phu, dưới nhiều hình thức thú vị (xem video clip, thi trắc nghiệm, trao đổi, trả lời câu hỏi tình huống…), buổi tọa đàm đã duy trì được không khí sôi nổi và sức “nóng” với các khán giả trong suốt 3 giờ. Qua các nội dung trao đổi, tranh luận, mục đích của tọa đàm không phải là phân định đúng – sai, không phải là đấu tranh cho nam giới hay nữ giới mà mỗi người tự nhận thức được và xóa bỏ những định kiến của bản thân và xã hội về vấn đề giới, từ đó thay đổi nhận thức và hành động đúng để tạo cơ hội như nhau cho nam và nữ trong mọi lĩnh vực, xây dựng một môi trường làm việc văn minh, tiến bộ và xây dựng gia đình hạnh phúc cho cả hai giới.

Quang cảnh buổi tọa đàm chuyên đề:

Một số hình ảnh trong buổi tọa đàm: